Giai đoạn 2018-2019 được coi là một giai đoạn cao trào nhất của cộng đồng AOE hai nước Việt, Trung. Đặc biệt trong giai đoạn này, các game thủ được coi là “binh hùng tướng mạnh” của AOE Trung Quốc đều tề tựu trên mảnh đất Hà Nội, tham gia hoặc thành lập một số clan để cùng với các clan chuyên nghiệp của AOE Việt thời bấy giờ đánh kèo, tổ chức giải đấu. Câu chuyện tổ chức một giải đấu offline Việt – Trung ở thời điểm đó không còn là vấn đề nữa. Thậm chí một số giải đấu truyền thống của AOE Việt như Thái Bình Open cũng có sự góp mặt của các “khách mời” Trung Quốc, điều chưa từng có tiền lệ.
Tuy nhiên kể từ thời điểm mà Facebook Gaming có phần thoái trào, cùng với đó là ảnh hưởng của đại dịch Covid mà cho đến nay, tức là sau khoảng 4 năm thì AOE Việt – Trung chưa có lấy một giải offline nào nữa. Dù các giải đấu vẫn tổ chức nhưng là hình thức online. Mà rõ ràng, các giải đấu online sẽ không thể có được màu sắc đặc trưng cũng như sự nhiệt huyết, tinh thần AOE thường thấy của các giải đấu off.
Ngoài ra, việc không thể tổ chức các giải offline cũng khiến cho người hâm mộ trở nên mất niềm tin hơn đối với sự phát triển của AOE hai nước. Đặc biệt trong giai đoạn này, hai nhánh của AOE Trung Quốc thường xuyên có những mâu thuẫn, dẫn đến hầu hết các giải đấu đều thiếu vắng một số game thủ mạnh. Giải có Shenlong, Sơ Luyến lại thiếu đi Tiểu Thủy Ngư, Đổ Thánh và ngược lại. Cứ như thế, nhiều giải đấu Việt – Trung không còn được đánh giá quá cao, dù chất lượng chuyên môn thì vẫn đáp ứng với những trận đấu đỉnh cao hấp dẫn.
Hiện nay, tình hình đại dịch Covid-19 đều đã được kiểm soát tốt ở cả Việt Nam lẫn Trung Quốc. Tại Việt Nam, cộng đồng AOE cũng trở nên sôi động và tươi mới hơn khi có một số doanh nghiệp lớn đầu tư và xây dựng team AOE theo phong cách chuyên nghiệp. Trong khi đó tại Trung Quốc thì nguồn lực AOE chưa bao giờ là vấn đề. Đối với nhánh Tiểu Thủy Ngư, họ có đến cả trăm những “ông chủ – ông bầu” đam mê AOE, sẵn sàng rót tiền để tổ chức giải. Lấy ví dụ như trong năm 2022, khá nhiều giải đấu có giá trị cao đã được bà Thanh Thanh đứng ra tổ chức. Còn với nhánh Shenlong, họ cũng thường xuyên treo thưởng rất lớn cho các kèo giao hữu Trung Việt.
Một giải đấu AOE Việt – Trung hay Trung – Việt thi đấu Offline vì thế mà có thể được tổ chức – và thực sự rất nên được tổ chức – để giúp cho AOE hai nước tạo nên sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn, và quan trọng hơn là để cho toàn thể người hâm mộ AOE thấy rằng, cộng đồng AOE vẫn sẽ còn tiếp tục được duy trì và phát triển. Theo thông tin bên lề, phía bà Thanh Thanh của Hiệp Hội La Mã cùng một số đơn vị chủ quản của AOE Việt đang rục rịch lên kế hoạch để tổ chức một giải Offfline ngay trong năm nay.
Nếu kế hoạch tổ chức giải đấu thành công, đó sẽ là một điểm nhấn lớn đối với hành tình “phục hưng” AOE chuyên nghiệp. Và tất nhiên là chúng ta hãy cùng hi vọng rằng giải đấu sẽ có sự góp mặt của tất cả những game thủ mạnh nhất của hai đất nước.
Còn nhớ ở giải đấu offline gần nhất là Vietnam Open 2019, Chim Sẻ Đi Nắng cho thấy sức mạnh vượt trội khi thâu tóm gần như toàn bộ các danh hiệu. Liệu 4 năm sau có thay đổi gì không, người Trung có đòi được sự tự tôn của họ hay Chim Sẻ ĐI Nắng sẽ bị lật đổ bởi chính một game thủ Việt, hoặc chính anh một lần nữa cho thấy sự độc bá của mình trong bộ môn AOE này. Hãy cùng chờ xem!