Trong thế giới bóng đá, thế giới của thể thao chuyên nghiệp, các cầu thủ, huấn luyện viên luôn phải học cách cư xử về ngôn từ. Hay nói cách khác, họ phải làm sao để giữ được hình tượng trước công chúng, rằng bản thân là một người khiêm tốn và luôn tôn trọng đối thủ. Tuy nhiên, đó là số đông chứ không phải là tất cả. Bên cạnh việc tôn trọng đối thủ, thế giới bóng đá cũng có những màn khẩu chiến, những pha cà khịa nhau, hay còn được gọi với cái tên dân dã là “gáy”. Chính điều đó khiến cho bộ môn thể thao ấy tạo ra được sự kích thích, sự hưng phấn, đầy tính ăn thua, làm cho thế giới trở nên muôn màu muôn vẻ.
Bóng đá còn như thế, huống gì một trò chơi điện tử như AoE. Bởi dù sao thì “gáy” vẫn luôn được coi là đặc sản, một nét văn hóa của bất kỳ cộng đồng game nào trên Thế giới. Chỉ khi các game thủ “gáy” lẫn nhau, cho đến các fan cuồng nhiệt của mỗi đội “gáy” qua “gáy” lại, cộng đồng đó mới thực sự sôi động, những trận đấu đối kháng của các bên mới thực sự đem đến cho người xem sự hấp dẫn với một trạng thái tâm lý hưng phấn.
Trong game Đế chế, hình thức gáy nhau vô cùng đa dạng. Đó có thể là những bài văn dí dỏm nhưng cũng ẩn chứa nhiều hàm ý như VaneLove hay BiBi vẫn thường hay đăng. Đó cũng có thể là những màn đối đáp hài hước cũng chẳng kém phần cà khịa của các game thủ khi nhắn tin, hay khi cùng nhau comment ở một bài viết nào đó trên facebook. Đó cũng có thể là những con số, những âm thanh được lập trình sẵn trong game Đế chế. Tất nhiên, hình thức “gáy” cuối cùng cũng là hình thức hiệu quả nhất, bởi những tiếng cười như khi chat “17” hay “19” là những tiếng cười vốn đã đầy tính mỉa mai, lại được áp dụng khi mà các game thủ còn đang ở trong trận và chưa thoát được trạng thái tâm lý, có thể tạo ra được sự kích động rất lớn.
Thế nhưng, cho dù hình thức “gáy” đó thực sự có tác dụng thì cũng phải xem tính thời điểm, và đặc biệt phải xem đối thủ của bạn là ai. Nếu người hâm mộ còn chưa quên, tại trận Chung kết lịch sử Solo Random AoE Việt Trung 2015, Vô Thường khi được cầm Shang với một map đấu cực đẹp đã lập tức gõ “19” (cười mỉa mai) với ý đồ khiến cho Chim Sẻ Đi Nắng bị nao núng. Nhưng không, chẳng những Chim Sẻ không nao núng, trái lại anh còn quyết tâm hơn. Chim Sẻ Đi Nắng ở trong trận đấu đó không chỉ cho thấy tư duy đỉnh cao của khối óc, sự khéo léo của đôi bàn tay mà còn bộc lộ được sự lạnh lùng, dứt khoát, trạng thái tâm lý vững vàng đúng với tố chất của nhà vô địch. Màn công nhà kinh điển và quản map siêu hay của Chim Sẻ cũng giúp anh đánh bại một Vô Thường chơi chủ quan, gáy sớm.
Hôm qua, Cam Quýt chính là “nạn nhân” tiếp theo của việc gáy sớm trước Chim Sẻ. Trong trận chung kết C3, Cam Quýt khi được cầm Phoe, một loại quân được đánh giá cửa trên hoàn toàn so với Baby của Chim Sẻ trong map Solo đã không ngần ngại gõ 25 (Oh Yes) ngay khi game mới bắt đầu. Đó rõ ràng là một hình thức gáy sớm. Và cái kết cũng chẳng có gì mới lạ khi Phoenician của anh bị Babylonian của Chim Sẻ hạ gục. Tỷ số chung cuộc của cả kèo đấu, huyền thoại của AoE Việt Nam cũng giành được chiến thắng, dù đó cũng là một chiến thắng mà anh khá vất vả và Cam Quýt đã thi đấu không hề tồi.
Không biết sau Vô Thường, Cam Quýt, sẽ còn ai dám gáy sớm trước Chim Sẻ Đi Nắng. Nhưng nếu có ai đó lặp lại hành động như trên thì cũng là điều hết sức bình thường. Thậm chí nhiều người còn mong đợi điều đó nữa, bởi dù có thế nào đi chăng nữa, “gáy” vẫn luôn là một đặc sản của game. Mà cũng chỉ có “gáy” mới tạo nên nhiều tình tiết hấp dẫn, đem đến sự kích thích cho cả người xem lẫn người trong cuộc.